9 điều những người có cảm xúc thông minh không làm
- My Nguyen
- 20 thg 5, 2021
- 7 phút đọc

Trí tuệ cảm xúc (Emotional intelligence) là khả năng chúng ta hiểu, điều chỉnh, thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh và đồng cảm được với người khác. Mọi người đều có mức độ trí tuệ cảm xúc khác nhau dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ của mình. Đồng thời trí tuệ cảm xúc cũng có thể được xây dựng theo thời gian thông qua việc xem xét nội tâm, sự đồng cảm, các bài tập xây dựng và sự phát triển cá nhân. Mức độ thông minh cảm xúc của bạn thường có thể được nhìn thấy thông qua hành động của bạn. Đây là 9 việc mà những người có trí thông minh về cảm xúc khuyên bạn tránh làm:
1. Bạn không nên kìm nén cảm xúc của chính mình (You don't suppress your emotions)
Những người thông minh về mặt cảm xúc biết rằng cảm nhận và biểu hiện cảm xúc là lành mạnh. Mặc dù vậy cũng có những lúc chúng ta cần phải tạo khoảng không gian để bình tĩnh lại trước khi xử lý cảm xúc một cách an toàn. Có thể nhiều người hiểu lầm về các cảm xúc tiêu cực vì thế thường “kiềm chế” hoặc phủ nhận nó dẫn đến ức chế về mặt tinh thần mà đôi khi chúng ta cũng không nhận ra. Đồng thời sự ức chế trong thời gian dài có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng, suy sụp tinh thần, kìm nén cảm xúc và thậm chí là các triệu chứng trầm cảm.
2. Bạn đừng phủ nhận cảm xúc của người khác (You don't invalidate other people's emotions)
Khi chúng ta hòa hợp với cảm xúc của chính mình và ý thức được tầm quan trọng của việc thể hiện cảm xúc thì chúng ta có thể chấp nhận cảm xúc của người khác trước khi cố gắng an ủi họ. Ví dụ, bạn có thể tránh nói với một người đang buồn rằng “Hãy bình tĩnh lại” hoặc “Cố gắng vượt qua nó đi”. Bạn cũng tránh đưa ra những lời động viên sáo rỗng kiểu như “Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”. Thay vào đó, bạn sẽ lắng nghe và cố gắng đồng cảm với câu chuyện của người đó đồng thời nói những điều như “Mình hiểu rằng lúc này bạn đang rất khó chịu”. Gợi ý là chúng ta có thể hỏi những câu như: “Mình có thể giúp gì cho bạn?”, “Mình có thể làm gì để giúp bạn vượt qua điều này?”… Những người có trí thông minh cảm xúc luôn tôn trọng và biết rằng đôi khi chỉ cần lắng nghe là đủ và cũng không cần đưa ra bất cứ lời khuyên hay giải pháp nào. Hoặc họ cũng biết khi nào nên để cho người bạn đang tổn thương không gian riêng để bình tĩnh lại.
3. Bạn không nên nhượng bộ trước áp lực của người khác (You don't give in to peer pressure?)
Bạn có cảm thấy mình có một ý thức mạnh mẽ về bản thân không? Bạn có hành động phù hợp với giá trị và niềm tin của mình không? Bạn có thường tự suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định không? Khi có trí tuệ cảm xúc cao, bạn sẽ không dễ dàng nhượng bộ trước áp lực của người khác. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người có mức độ trí tuệ cảm xúc cao hơn có khả năng chống lại áp lực của người khác tốt hơn ví dụ như việc từ chối sử dụng rượu và ma túy ở tuổi vị thành niên.
4. Bạn không nên đắn đo quá nhiều về mọi thứ (You don't usually overthink things)
Bạn có nghĩ rằng việc chú tâm vào những sự kiện trong quá khứ hoặc tương lai nằm ngoài tầm kiểm soát của mình và là một sự lãng phí thời gian cũng như cảm xúc không? Mặc dù không muốn nhưng đôi khi chúng ta vẫn bị những suy nghĩ quá mức này cuốn đi và có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Những người có trí thông minh về mặt cảm xúc có thể giỏi hơn trong việc khiến bản thân ngừng lo lắng về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhận ra mình đang suy nghĩ quá nhiều chính là bạn đang bước đầu hướng suy nghĩ của mình ra khỏi chúng.
5. Bạn không nên gặp khó khăn với việc thiết lập ranh giới cá nhân (You don't have an issue with setting personal boundaries)
Biết khi nào thì nên thiết lập ranh giới cá nhân là một dấu hiệu khác của trí tuệ cảm xúc. Những người thông minh về cảm xúc biết rõ ranh giới của bản thân bởi vì họ đã kiểm tra và nhận biết chúng. Ví dụ như họ sẽ không cảm thấy có lỗi khi từ chối những yêu cầu sẽ chiếm quá nhiều thời gian mà không mang lại lợi ích về tinh thần, thể chất hoặc tài chính cho họ. Bạn có hiểu sự khác biệt giữa làm một việc tốt và luôn đi làm hài lòng mọi người không? Những người có trí tuệ cảm xúc thường có khả năng từ chối việc làm mọi thứ bất kể mình có thích hay không chỉ vì sợ bị cô lập, từ chối hoặc để khiến bản thân trông đẹp hơn trong mắt người khác.
6. Bạn đừng tìm kiếm sự ghi nhận bên ngoài (You don't seek out external validation)
Với những người bị chấn thương tâm lý trong quá khứ, lo lắng, trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác có thể cần xác nhận từ người khác dưới hình thức trấn an vì họ không thể tin tưởng vào giá trị bản thân. Tuy vậy nếu chúng ta không gặp những tình huống trên nhưng vẫn bị phụ thuộc vào đánh giá của người khác thì việc này có thể khiến chúng ta gặp những cảm xúc tiêu cực không dứt. Những người có trí tuệ cảm xúc cao biết giá trị của họ và không cố gắng sống theo những kỳ vọng mà người khác đặt ra cho mình. Thay vào đó, họ giữ mục tiêu cá nhân của riêng mình và từng bước thực hiện nó. Bạn có nhận ra giá trị của mình và tìm thấy sự xác thực bên trong chính mình không?
7. Bạn không nên thất vọng trước những tình huống ngoài tầm kiểm soát của mình (You don't get frustrated over situations beyond your control)
Có thể điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh là một dấu hiệu nữa của trí tuệ cảm xúc. Bạn có thể gọi tên và xử lý các cảm xúc khi chúng xảy ra không? Kỹ năng này giúp bạn vượt qua các tình huống từ khó chịu đến cực kỳ bực bội. Ví dụ, trí tuệ cảm xúc có thể mang lại cho bạn lợi thế khi cần vượt qua những cảm xúc như tức giận, giúp bạn kiểm soát những cơn giận và hành vi bốc đồng. Những người thông minh về cảm xúc cũng tránh đổ lỗi cho người khác về những sai lầm của mình hoặc những sự kiện mà ngoài tầm kiểm soát của đối phương.
8. Bạn đừng tránh những lời phê bình mang tính xây dựng (You don't avoid constructive criticism)
Một dấu hiệu nữa của trí tuệ cảm xúc là dám nhìn nhận bản thân và thừa nhận những sai sót của chính mình. Do đó, những người có trí tuệ cảm xúc thường không phòng thủ khi ai đó đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng. Thay vào đó, họ chú tâm lắng nghe những người có nhiều kinh nghiệm hơn và luôn cởi mở khi nhận được phản hồi. Những người thông minh về mặt cảm xúc cũng thường có khả năng đồng cảm hơn thậm chí tha thứ cho cả những người từng làm tổn thương mình. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải cố tỏ ra cao thượng với những người không tôn trọng mình. Điều quan trọng là trí tuệ cảm xúc sẽ giúp chúng ta ít bị ảnh hưởng bởi những bình luận thù hận hoặc phán xét gay gắt. Bạn cũng có khả năng mở lòng khi tiếp nhận các quan điểm trái chiều đồng thời có thể chủ động xử lý cảm xúc của mình, khám phá các lựa chọn và giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn.
9. Bạn đừng trốn tránh sự thay đổi (You don't avoid change)
Cho dù sự thay đổi có thể đáng sợ và không mấy dễ chịu nhưng khi có trí thông minh về mặt cảm xúc, chúng ta sẽ nhận ra rằng thay đổi chính là một phần cần thiết của sự trưởng thành. Khi đó dù chuyện gì xảy ra thì bạn vẫn sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành động của mình cũng như đón nhận những thay đổi của cuộc sống. Những người thông minh về mặt cảm xúc biết rằng họ có thể thay đổi nghề nghiệp, lối sống, vị trí và các mối quan hệ với những người xung quanh đồng thời vẫn duy trì ý thức về bản sắc và mục đích sống của mình. Điều quan trọng là, trong khi thay đổi và gặp những khó khăn ban đầu chúng ta dám thừa nhận rằng mình cần sự giúp đỡ. Chúng ta cũng hiểu rằng việc tìm kiếm động lực và sự hỗ trợ từ người khác đều lành mạnh. Cuối cùng, bạn là người duy nhất có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài trong thói quen của mình.
Bạn có nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào của trí tuệ cảm xúc trong bản thân không? Hay bạn nghĩ rằng bạn cần phải xây dựng thêm trí thông minh cảm xúc của mình? Thực tế là tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm, nhưng cách mỗi người phản ứng với chúng sẽ dần cải thiện hoặc làm giảm mức độ thông minh cảm xúc của chính bản thân. Hiểu về trí tuệ cảm xúc, gọi tên các vấn đề của mình và biết những điều nên tránh là cách chúng ta bước đầu thay đổi để biết cách quản lý cảm xúc của mình.
My Nguyen
Chuyên gia tâm lý
Viết có tham khảo nguồn: https://bit.ly/3hBUdjx
Comments