5 quy tắc để bạn cảm nhận được hạnh phúc từ bên trong
- My Nguyen
- 10 thg 8, 2021
- 7 phút đọc

Kết thúc 3 ca coach hôm qua với học viên (1 bạn ở Mỹ, 2 bạn ở Việt Nam), mình thầm biết ơn vì nhờ công nghệ thông tin toàn cầu mà những thông điệp của mình chạm đến và mang giá trị các bạn. Một trong những điều quan trọng đó là ngoài nhu cầu tối thiểu về của cải vật chất và sự an toàn cá nhân để duy trì cuộc sống, phần lớn bình yên và hạnh phúc là vấn đề nằm trong suy nghĩ bên trong của mỗi người.
Đúng vậy, rèn luyện một tâm trí lành mạnh sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Đây là một con đường dài và cần nhiều sự kiên trì bởi nhiều người vẫn tin rằng hạnh phúc đến từ các giá trị bên ngoài. Tuy vậy chúng ta có quyền hy vọng rằng mình sẽ đủ để cảm nhận và tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc trọn vẹn từ bên trong.
Sẽ không có một thủ thuật hay thần chú nào để bạn có thể cải thiện lối suy nghĩ của mình ngay lập tức. Tuy nhiên bài viết này sẽ chia sẻ một số nguyên tắc để bạn có thể tự tìm ra con đường đi đến tự do, tâm trí khỏe mạnh và hạnh phúc tự thân từ bên trong.
1. Hãy tò mò với cảm xúc của bạn (Be curious with your emotions)
Về bản chất, hầu hết chúng ta đều hay phán xét cảm xúc của mình — đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ khi gặp những cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, buồn bã, thất vọng, tức giận … nhiều người có xu hướng nghĩ mình yếu đuối, không biết cách tiết chế hoặc kém cỏi.
Điều này có thể hiểu được bởi nếu hồi nhỏ bạn được dạy rằng không được thể hiện — hoặc thậm chí cảm nhận những cảm xúc tiêu cực thì khi lớn lên chúng ta cũng làm điều đó một cách vô thức. Hệ quả là khá nhiều người có xu hướng sửa chữa hoặc tránh né những cảm xúc gây đau đớn, mâu thuẫn.
Tuy vậy, hãy nhìn dưới góc độ khác, tuy những cảm xúc tiêu cực khiến chúng ta thấy tệ nhưng đó cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể và tâm trí cần được nghỉ ngơi.
Và nếu bạn cứ cố gắng loại bỏ, sửa chữa hoặc lẩn tránh những cảm xúc đau đớn, bạn đã dạy cho não bộ của mình hiểu rằng cảm xúc là xấu và nguy hiểm. Hệ quả tất yếu là bộ não sẽ luôn sợ những cảm xúc tối và khiến cho bạn luôn trong trạng thái bất an và mệt mỏi.
Điều quan trọng là hãy giữ sự tò mò và đón nhận mọi cảm xúc đến với bạn cho dù nó tích cực hay tiêu cực. Đồng thời bạn cũng cần ngừng phán xét cảm xúc của mình, bất kể chúng có khó khăn hay đau khổ đến đâu.
Gợi ý là thay vì cứ tính phán xét và đấu tranh với cảm xúc của mình, bạn hãy cố gắng tò mò về chúng. Thay vì tránh xa cảm xúc tối như kẻ thù, hãy thử nghĩ về cảm xúc của bạn như những người bạn để được an ủi và thấu hiểu.
Hoặc tốt hơn hết, hãy thử nghĩ về cảm xúc của bạn như các thông điệp tích cực, chúng chỉ đang cố gắng giúp đỡ và cảnh báo cho bạn thôi.
Hãy tập thói quen tò mò với cảm xúc của bạn thay vì phán xét, và bạn sẽ thấy rằng chúng dễ chịu và dễ hiểu hơn nhiều.
2. Hãy từ bi, bao dung khi nói về chính bản thân mình (Be compassionate in your self-talk)
Khi ta có xu hướng khắt khe với bản thân như:
- Tự chỉ trích và mắng mỏ bất cứ lúc nào mình mắc lỗi
- Luôn so sánh mình với mọi người xung quanh và có xu hướng đánh giá thấp bản thân
- Có xu hướng phủ nhận hoặc hạ thấp phẩm chất tích cực của mình
Khi chúng ta có thói quen chỉ trích bản thân, chúng ta sẽ khiến các cảm giác bình thường cũng trở nên dữ dội như sự xấu hổ, giận dữ, tuyệt vọng…
Có một sự thật là những yếu tố bên ngoài không khiến mọi người cảm thấy tồi tệ, mà chính cách diễn giải và câu chuyện mà chúng ta tự suy luận trong đầu mới quyết định cảm giác sau đó. Tuy vậy may mắn thay đó chỉ là thói quen nên chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được.
Gợi ý là thay vì cố gắng loại bỏ việc nói tiêu cực về bản thân (điều này là rất khó) thì sẽ hữu ích hơn nếu bạn thử tạo ra một giải pháp thay thế: Học cách từ bi hơn trong việc tự nói về bản thân mình và tránh sự phán xét.
Có một quy luật bất thành văn là khá nhiều người phải vật lộn vì luôn nói những điều tiêu cực về bản thân lại vô cùng tốt bụng với người khác. Do đó mỗi khi nhận ra mình đang đối xử khắt khe với bản thân, chúng ta có thể tưởng tượng mình đang đối diện với người bạn chí cốt. Khi đó chúng ta có thể học cách thay đổi và đối xử tốt với chính mình hơn.
3. Hãy thực tế với những kỳ vọng của bạn (Be realistic with your expectations)
Nhiều người tin rằng kỳ vọng là một cách để thúc đẩy sự phát triển và đạt được các thành tích. Tuy nhiên dưới góc nhìn của các nhà tâm lý thì chúng ta thường sử dụng kỳ vọng cao quá mức như một cách để xoa dịu những lo lắng và bất an của chính mình.
Kỳ vọng thường là cơ chế đối phó vô thức mà chúng ta sử dụng để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn — bớt lo lắng hơn và chắc chắn hơn về mọi thứ. Đây là một cách lười biếng để bạn khiến bản thân cảm thấy an tâm hơn một chút. Vấn đề là những sự bất an bên trong của bạn vẫn còn nguyên.
Điều này gây hại cho các mối quan hệ bởi nó khiến những người thân thiết xung quanh dần dần nhận ra rằng bạn đã đặt kỳ vọng cứng nhắc và không thực tế khiến cả hai bên đều mệt mỏi.
Thay vào đó, bạn có thể làm thế này:
- Nếu bạn lo sợ rằng con mình sẽ không thành công trong cuộc sống, có lẽ bạn nên tự mình vượt qua nỗi sợ đó thay vì đặt cho con những kỳ vọng cao không thực tế
- Nếu bạn sợ rằng nhân viên của mình sẽ không làm việc chăm chỉ, có lẽ bạn nên thử nghiệm các cách quản lý khác nhau và xem hiệu quả đến đâu
- Nếu bạn lo lắng rằng vợ / chồng của bạn không yêu thương như bạn muốn, có lẽ bạn nên thử nói ra yêu cầu hoặc những gì bạn muốn thay vì chỉ mong đợi họ đọc được suy nghĩ của bạn và sau đó trở nên khó chịu khi họ không làm vậy.
Gợi ý là, nếu bạn muốn có một tâm trí bình tĩnh và sâu sắc hơn, hãy thực hành thói quen kiểm tra các kỳ vọng của mình thường xuyên và đảm bảo rằng chúng không nằm quá xa so với thực tế.
4. Hãy quyết đoán trong các mối quan hệ của bạn (Be assertive in your relationships)
Khái niệm về sự quyết đoán thường bị hiểu sai. Rất nhiều người nghe đến sự quyết đoán và họ liên hệ nó với sự xấu tính, thô lỗ hoặc thậm chí thao túng.
Học cách quyết đoán trong các mối quan hệ có nghĩa là chúng ta có thể giao tiếp theo cách trung thực với mong muốn và nhu cầu của bản thân đồng thời cũng tôn trọng người khác. Hay nói cách khác đây chính là việc xây dựng ranh giới cá nhân, bạn có thể yêu cầu thứ mình muốn hoặc nói không với điều khiến bạn không thoải mái một cách tự tin và tôn trọng.
Đó là lý thuyết, còn thực tế thì thực hiện điều này không dễ dàng bởi ai cũng sợ xung đột. Tuy vậy cần hiểu rằng chúng ta sẽ sống trong lo lắng, bất an, thất vọng và cả bực bội suốt đời nếu không dám sống thật với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng thái độ và cách nhìn nhận cuộc sống vui vẻ, hài lòng hơn là nuôi dưỡng lòng can đảm để giao tiếp một cách quyết đoán và thành thật (với chính mình). Và cho dù bạn chưa thể thực hiện ngay thì ngay cả việc tin rằng tôn trọng ranh giới cá nhân của mình sẽ tốt cho mối quan hệ cũng đã là một sự thay đổi nhận thức đáng kể rồi. Giai đoạn đầu thì việc này thật khó nhưng nếu kiên nhẫn, theo thời gian chúng ta sẽ làm được.
5. Hãy rõ ràng về các giá trị của bạn (Be clear about your values)
Ai cũng có những giá trị - những thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Vấn đề là, rất nhiều người lại mơ hồ khi nghĩ và nói về chúng.
Khi đó chúng ta sẽ không biết mình thực sự muốn gì và thực sự muốn đi đâu. Điều này dẫn đến việc chúng ta dễ dàng lạc vào những thói quen không lành mạnh như lo lắng, suy ngẫm, trì hoãn và bất mãn.
Gợi ý là, để các giá trị mà bạn mong muốn đủ mạnh và có thể tác động đến hành vi, hãy nghĩ và nói về chúng một cách rõ ràng đến mức bạn có thể hành động ngay.
Và khi chúng ta làm rõ các giá trị, điều chỉnh hành động của mình phù hợp với chúng — thì kết quả tất yếu là sự yên tâm và hạnh phúc trọn vẹn từ bên trong.
Nguồn tham khảo:
https://nickwignall.com/5-rules-for-a-happy-mind/
Artist: instar/ @paintingbysnehal
Comments